Nhiều người nuốt mật cá trắm để trị bệnh theo mách bảo, nhưng cuối cùng lại bị ngộ độc. Vì sao như vậy?
Nhiều ca ngộ độc
Trong vòng một tháng qua, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận hai ca ngộ độc mật cá trắm, do tự nuốt mật nhằm trị bệnh theo lời mách bảo.
Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân Đ.T.H (32 tuổi, nhà ở Hà Tây, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng. Theo người nhà bệnh nhân: “Chị H. mắc bệnh đường ruột mấy năm nay. Mới đây, do nghe người khác nói mật cá trắm chữa được bệnh, nên chị lấy nguyên túi mật cá trắm cho vào miệng nuốt trọn”. Khoảng 3-4 tiếng sau khi nuốt mật cá, chị H. bị đau bụng dữ dội, buồn nôn, tiêu chảy liên tục, và được gia đình đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mệt lả, vàng da, vàng mắt. Qua các xét nghiệm cho thấy, chị H. bị viêm gan cấp do gan bị nhiễm độc.
Ngoài ra, trung tâm cũng vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 29 tuổi, nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng (vô niệu, suy thận), xảy ra sau khi người này nuốt mật cá trắm để trị bệnh đau lưng.
“Hằng năm chúng tôi tiếp nhận khá nhiều ca (10-20 ca) ngộ độc do nuốt mật cá trắm. Hầu hết bệnh nhân đều kể lại rằng, nghe nói mật cá trắm trị bệnh, giúp cho khỏe hơn nên nuốt sống. Trong khi đó, chưa có một căn cứ khoa học nào cho biết công dụng trị bệnh của cá trắm”. TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Phải điều trị lâu dài
TS Phạm Duệ lưu ý, các biểu hiện ngộ độc mật cá trắm xuất hiện khoảng 2-4 giờ sau khinuốt mật. Bệnh nhân có hiện tượng nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy dữ dội gây mất nước. Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân sẽ bị tiểu ít, rồi suy thận cấp thể vô niệu (không có nước tiểu). Những bệnh nhân nặng hơn sẽ bị viêm gan nhiễm độc cấp, vàng da, vàng mắt, có thể tiến triển đến hôn mê rồi tử vong.
Các bác sĩ lưu ý, các loại mật của động vật đều có thể gây độc vì trong thành phần có chứa nhiều độc chất, trong đó có a-xít mật và các muối mật. Thông thường, trong cơ thể người ta, mật được tiết ra đủ giúp cho tiêu hóa thức ăn. Việc sử dụng lượng lớn mật, với nồng độ “đậm đặc” sẽ bị nhiễm độc. Ngoài ra, nếu mật bị bệnh do nhiễm vi khuẩn, việc dùng mật này chính là đưa nguồn bệnh vào cơ thể.
Do vậy, khi đưa nguyên cả túi mật cá trắm vào cơ thể, chính là đưa một lượng “độc chất” vào. Chất này gây độc trực tiếp cho gan, thận, phá hủy tế bào gan và ống thận của người sử dụng. Ở mức độ nhiễm độc nặng sẽ dẫn đến suy gan, suy thận. Chất độc của mật cá đi qua ống thận gây viêm ống thận cấp dẫn đến vô niệu (không có nước tiểu) không tiểu tiện được. Tình trạng này khiến độc chất sẽ bị tích tụ trong cơ thể, do đó bệnh nhân có thể tử vong vì nhiễm độc.
“Khi có dấu hiệu bị ngộ độc, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị nhằm thải đi chất gây độc ra khỏi cơ thể”, TS Phạm Duệ nhấn mạnh.
Với bệnh nhân ngộ độc mật cá trắm nặng cần phải lọc máu và các biện pháp hỗ trợ khác. Tuy nhiên, quá trình điều trị không đơn giản và thường phải kéo dài trong 2-4 tuần, thậm chí hàng tháng mới có thể bình phục được.